Ngoài cửa chính, trong một ngôi nhà thông thường còn có một hệ thống cửa đi khác như cửa ngách (cửa mở phía hông nhà), cửa hậu (cửa sau – ngược chiều với cửa chính) và cửa vào các phòng (phòng ngủ, nhà bếp, phòng ăn, phòng tắm, nhà kho…).
Thông thường, các cửa phụ phải nhỏ hơn cửa chính, nhất là đối với cửa hậu, cửa ngách. Nếu cửa hậu lớn hơn cửa chính, khí thoát đi sẽ nhiều hơn khí vào nhà dẫn đến gia chủ sẽ suy kiệt về sức khỏe và tài chính.
Cửa vào các phòng, nhất là phòng khách, phòng ngủ, phòng làm việc tuy là cửa phụ trong một ngôi nhà nhưng lại là cửa chính của căn phòng đó, vì thế đều có thể ứng dụng những nguyên tắc của cửa chính vào việc bố trí những cửa này.
Ngoài ra, việc bố trí cửa phụ trong mối tương quan với cửa chính cần lưu ý một số điểm sau:
Thông thường, các cửa phụ phải nhỏ hơn cửa chính, nhất là đối với cửa hậu, cửa ngách. Nếu cửa hậu lớn hơn cửa chính, khí thoát đi sẽ nhiều hơn khí vào nhà dẫn đến gia chủ sẽ suy kiệt về sức khỏe và tài chính. Nếu cửa vào các phòng lớn hơn cửa chính sẽ làm vượng khí bị phân tán, các dịp may sẽ bị bỏ lỡ, con cái có xu hướng thoát khỏi sự quản lý, không nghe lời cha mẹ.
Trong một ngôi nhà, nếu cửa hậu, cửa ngách lớn hơn cửa chính sẽ làm mất mỹ quan, không gian sử dụng không hợp lý, bị lãng phí. Mặt khác, cửa hậu, cửa ngách thường nằm ở những chỗ khuất trong nhà, vì vậy nếu cửa quá rộng cũng là yếu tố gây mất an toàn, dễ bị kẻ gian đột nhập.
Ở nước ta, phần lớn các ngôi nhà đều thiên về hướng nam để bảo đảm “ấm về mùa đông, mát về mùa hè”, nếu cửa ngách (mở về hướng đông hoặc hướng tây) quá rộng cũng là yếu tố làm ngôi nhà bị nóng lên về mùa hè. Còn cửa hậu (mở về hướng bắc) rộng quá lại làm cho ngôi nhà bị lạnh về mùa đông.
Cũng trong mối quan hệ với cửa chính, quan niệm của phong thủy cho rằng, nếu cánh cửa chính đối thẳng với cửa hậu thì vượng khí vào nhà rồi lại ra đi quá nhanh. Như vậy, nhiều cơ may đến rồi lại đi, vượt khỏi tầm tay gia chủ. Cũng với quan niệm đó, phong thủy cho rằng khoảng cách giữa hai cửa chính và hậu thẳng nhau đó càng ngắn thì càng làm tăng sự bất lợi.
Người ta kể rằng có một nhà thầu xây dựng làm lối vào nhà thông suốt ra vườn sau, ông ta đã gặp nhiều trắc trở, việc làm thưa thớt, lại phải chịu thua thiệt trong làm ăn. Sau khi được nhà phong thủy mách nước, ông ta treo khánh và đặt chậu cây cảnh vào lối đi nhằm tán khí và rải cơ may đều khắp trong nhà, vì vậy ông ta đã trúng được một mối thầu lớn, gặt hái được vô số lợi lộc.
Cửa chính và cửa hậu đối thẳng nhau sẽ làm cho luồng khí chuyển vận theo đường thẳng, tạo thành luồng gió mạnh không có lợi cho sức khỏe (dân gian thường gọi là gió lùa). Trong khi đó, các khu vực khác trong nhà lại không được thông gió, không khí tù hãm. Người ta gọi trường hợp này là “thông mà không thoáng”.
Còn việc treo khánh và đặt cây cảnh để đem đến cơ may là không có cơ sở. Có chăng, đặt cây cảnh sẽ cản bớt được luồng gió và làm giảm bớt cảm giác lối đi như một đường hầm sâu hun hút.