Nhiều lợi thế
Tại buổi tọa đàm mang chủ đề “Bất động sản thời kỳ mới: Đầu tư vào đâu?” do CafeLand tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định xu hướng đầu tư bất động sản ra các vùng ven của TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai và Long An sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.
Nguyên nhân là do hiện nay, thị trường TP.HCM chưa có dấu hiệu khởi sắc về nguồn cung mới, giá bán đã quá cao. Cùng với đó là việc các doanh nghiệp lớn xoay trục ra các vùng ven để đầu tư những dự án quy mô lớn, kéo theo làn sóng nhà đầu tư đổ về đây.
Theo các chuyên gia, Đồng Nai và Bình Dương là hai thị trường vùng ven đã phát triển mạnh trong những năm gần đây. Trong khi đó, Long An có vẻ “chậm chạp” hơn. Tuy nhiên, địa phương này đang có những cơ hội để sớm trở thành thế lực mới, cạnh tranh sòng phẳng với những người “anh em ồn ào” trên.
chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho biết, khu vực Long An có tính kết nối chặt chẽ với TP.HCM. Khu tiểu thủ công nghiệp ở TP.HCM tập trung ở khu vực quận 6, Chợ Lớn, quận 11… Những chủ xưởng quy mô nhỏ ở khu vực này trong thời gian tới sẽ thành các xưởng lớn và họ chọn vùng Đức Hoà 1, Đức Hoà 2 của Long An để đặt xưởng.
Hiện nay, Long An cũng đang thu hút nhiều ông lớn bất động sản đến đầu tư dự án. Trong số đó có Vingroup với hai dự án lớn ở Đức Hoà, còn tại Bến Lức có các dự án của Tập đoàn Nam Long, Trần Anh đang phát triển.
“Chính những “ông lớn” này sẽ giúp các khu vực này phát triển, sẽ hình thành các khu đô thị, thu hút người dân, chuyên gia. Do đó, tôi đánh giá bất động sản Long An với hai trọng điểm là Đức Hoà và Bến Lức sẽ hai lựa chọn đầu tư tốt”, ông Quang phân tích.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Đinh Thế Hiển đánh giá, Bến Lức và Cần Giuộc – Cần Đước là những khu vực có nhiều tiềm năng để bất động sản phát triển.
Theo ông Hiển, Cần Giuộc – Cần Đước trước đây đã từng sốt đất do nằm liền kề với cảng Hiệp Phước của TP.HCM. Ban đầu, cảng này được xác định sẽ là cảng biển nước sâu, nhưng sau đó kế hoạch này không thể thực hiện khiến cho giá bất động sản khu vực này có giảm đôi chút.
Tuy nhiên, nếu làm tốt các đường sông kết nối với TP.HCM thì cảng biển Hiệp Phước vẫn có thể đón được các tàu từ 5.000-10.000 tấn. Do đó, nếu mạng lưới kết nối đường sông được phát triển tốt thì bất động sản Cần Đước – Cần Giuộc vẫn tiềm năng.
Đối với Bến Lức, đây là khu vực đang có nhiều dự án đô thị lớn, có dòng sông Vàm Cỏ Đông rất đẹp, mặt đất bằng phẳng. Đặc biệt, nơi đây phù hợp với loại hình khu công nghiệp đặc thù 4.0. Những khu công nghiệp này không thể làm tại TP.HCM vì không còn quỹ đất, trong khi Long An lại đáp ứng tốt.
Trong tương lai gần, với sự kết nối của cao tốc Bến Lức – Long Thành, Bến Lức có thể lên thành phố với hai hướng là khu đô thị dân cư liền kề TP. HCM và bất động sản khu công nghiệp nhẹ, công nghiệp 4.0.
Cùng đánh giá cao tiềm năng của Long An, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Quản lý cấp cao, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, cho biết thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm quỹ đất, đặc biệt là quỹ đất khu công nghiệp, trong đó Long An là một địa điểm được quan tâm.
“Long An là nơi gần TP.HCM, kết nối thuận tiện qua các tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương hay cao tốc Bến Lức – Long Thành đang xây dựng. Các tuyến cao tốc này tạo động lực cho thị trường phát triển”, ông Kiệt nói.
Ông Kiệt cho biết thêm, bên cạnh bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở tại Long An cũng đang khởi sắc. Hiện tại, nhiều chủ đầu tư đã triển khai dự án ở đây dù họ đã có trong tay quỹ đất nhiều năm trước. Chính các dự án mới phát triển thu hút được nhiều nhà đầu tư về khu vực này.
Gỡ nút thắt hạ tầng
Hạ tầng giao thông có thể được xem là nguyên nhân khiến cho bất động sản Long An trầm lắng hơn so với Đồng Nai hay Bình Dương. Tuy nhiên, nút thắt này đã và đang được cả Long An lẫn TP.HCM lần lượt tháo gỡ bằng nhiều dự án hạ tầng được đầu tư trong thời gian tới.
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM phối hợp với Sở GTVT Long An rà soát, lập thủ tục đầu tư, mở rộng 7 dự án giao thông kết nối giữa hai khu vực với tổng vốn đầu tư 24.400 tỉ đồng.
Cụ thể, các dự án gồm: Nguyễn Văn Bứa (Hóc Môn) – ĐT824 (Đức Hòa) có tổng vốn đầu tư 2.800 tỉ đồng; Quốc lộ 50 qua Bình Chánh – Cần Giuộc có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỉ đồng; đường Lê Văn Lương (Nhà Bè) – ĐT826C (Cần Giuộc) có vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng; đường Long Hậu (Nhà Bè) – ĐT826E (Cần Giuộc) có vốn đầu tư 5.100 tỉ đồng; đường song song quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) – đường trục động lực (Cần Giuộc) có kinh phí xây dựng 4.300 tỉ đồng.
Ngoài ra, Long An còn mở đường mới (Đức Hòa) dài khoảng 7,5 km kết nối với phía tây bắc TP.HCM từ đường Nguyễn Thị Tú, đường Vĩnh Lộc với tổng kinh phí khoảng 6.400 tỉ đồng. TP.HCM cũng đưa vào quy hoạch đường Võ Văn Kiệt nối dài kết nối với tuyến đường tỉnh 822, 823, 823B, 825 (Đức Hòa) với tổng kinh phí 3.300 tỉ đồng.
Trước đó, dự án hầm chui An Sương có tổng vốn đầu tư hơn 500 tỉ đồng cũng đã được thông xe toàn bộ. Đây là nút giao thông 3 tầng đầu tiên ở khu vực cửa ngõ tây bắc TP.HCM, có vai trò quan trọng thúc đẩy sự kết nối giữa TP.HCM với các khu vực lân cận.
Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết thực trạng giao thông kết nối như hiện nay là chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển giữa Long An và TP.HCM. Trong thời gian tới, tỉnh Long An sẽ mở rộng các tuyến đường có sẵn, cũng như mở các tuyến đường kết nối giữa TP.HCM và Long An.
Theo ông Trung, việc đầu tư hàng loạt công trình kết nối giữa TP.HCM và Long An sẽ góp phần tăng khả năng thông xe và thu hút các nhà đầu tư về cho cả hai địa phương.