Thị trường bất động sản có thể đảo chiều từ 2024?

Nhiều đơn vị nghiên cứu bất động sản nhìn nhận, thị trường bất động sản đã trải qua nửa đầu năm 2023 với hàng loạt khó khăn, thách thức: giao dịch suy giảm, nhu cầu mua tiếp tục rơi vào thấp điểm, tâm lý đầu tư yếu, thanh khoản chung chưa có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, với những tín hiệu tích cực đang dần hiện hữu, dự kiến từ năm 2024, diễn biến của thị trường này sẽ được đảo chiều…

Ảnh minh hoạ
                                                                                                Ảnh minh hoạ

Điểm nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2023 là Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương đã nỗ lực vào cuộc “gỡ khó” cho thị trường bất động sản. Ví như: Nghị định 08/NĐ-CP giúp giải tỏa áp lực thanh toán trái phiếu cho doanh nghiệp; Nghị quyết 33/NQ-CP tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường trong cả ba nhóm vấn đề về pháp lý, nguồn vốn và nhà ở xã hội; Chính sách điều hành kinh tế, tài chính tiền tệ của Chính phủ đang tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường.

Ngoài ra, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, tính đến nay, Tổ công tác của Thủ tướng đã xử lý, giải quyết 108 văn bản phản ánh khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 168 dự án bất động sản trên cả nước. Đặc biệt là Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương sẽ khắc phục sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân đô thị.

NGUỒN CUNG SẼ ĐƯỢC CẢI THIỆN

“So sánh với nguồn cung căn hộ tương lai có thể có trong những năm sắp tới của Hà Nội là 95.200 căn (số liệu của Savills), thì chỉ tiêu của Hà Nội theo Đề án là 56.200 căn nhà ở xã hội, tương đương 59% nguồn cung nhà ở thương mại. Nguồn cung nhà ở xã hội này sẽ góp phần giảm áp lực thiếu nguồn cung nhà ở giá hợp lý, vừa túi tiền cho người dân trong thời gian sắp tới, giúp nhiều người dân và công nhân thực hiện được ước mơ có nhà”, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội nhận định.

Bà Hằng cũng dự báo vào cuối năm nay, thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực hơn khi cùng với những nỗ lực của Nhà nước, Chính phủ trong việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi dự kiến được thông qua và người dân có thể tiếp cập vốn vay với mức lãi suất hợp lý hơn nửa đầu năm 2023…

Cũng nói về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận xét, về chính sách điều hành, Chính phủ đã ban hành những cập nhật thay đổi pháp lý tích cực nhằm gỡ vướng và thúc đẩy cho thị trường bất động sản, trong đó, ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Quy định về lãi suất và bảo lãnh ngân hàng… Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động. Nhiều ngân hàng thương mại đã giảm 0,5 – 2% lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn, tạo đà giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Theo đó, dòng vốn đầu tư bất động sản sẽ được cải thiện trong giai đoạn 2024- 2026. Và chu kỳ phục hồi của thị trường bất động sản có thể sẽ bắt đầu diễn ra trong nửa đầu năm 2024.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam Chi nhánh Hà Nội cũng cho rằng sự phục hồi của thị trường bất động sản nhà ở dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2024, khi thị trường có thêm thời gian để thích ứng với những thay đổi gần đây về chính sách cũng như có thể tiếp cận nguồn vốn tốt với mức lãi suất hợp lý hơn.

THỊ TRƯỜNG ĐANG TRẢI QUA GIAI ĐOẠN TRẦM LẮNG

Phân tích sâu hơn về xu hướng trên, đại diện Cushman & Wakefield đánh giá: thị trường bất động sản luôn trải qua qua bốn giai đoạn trước khi hình thành một chu kỳ mới. Các giai đoạn có thể được mô tả như sau: Phục hồi, Tăng trưởng, Sốt nóng, và Suy Thoái. Dường như Việt Nam những tháng qua đang trải qua giai đoạn trầm lắng. Nhưng cũng có thể nói một cách lạc quan rằng thị trường bất động sản đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn.

Nhìn lại hành trình 30 phát triển thị trường của Việt Nam, có thể thấy rằng nền tảng kinh tế hiện tại mạnh mẽ hơn nhiều sau khi thị trường trải qua từng thời kỳ suy thoái và khủng hoảng. Số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam gia tăng mạnh mẽ hơn về cả số lượng và quy mô sau từng đợt đóng băng. Bên cạnh đó, số lượng các nhà đầu tư trong nước cũng không ngừng phát triển và mở rộng danh mục đầu tư.

Chính vì vậy, Cushman & Wakefield tin rằng khi thị trường vượt qua trầm lắng và phục hồi trở lại, sẽ có sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư lớn toàn cầu vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 – 2026, đây cũng là thời điểm thị trường được kỳ vọng tăng trưởng.

Tuy nhiên, để có thêm nhiều hoạt động đầu tư bất động sản diễn ra trên thị trường, Việt Nam sẽ cần đạt mức độ minh bạch cao hơn, quy hoạch đô thị bài bản cũng như khung pháp lý vững vàng hơn nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Khi quá trình xem xét pháp lý được hoàn thành, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng nguồn cung có thể đáp ứng nhu cầu, thị trường sẽ minh bạch và hiệu quả hơn cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước”, lãnh đạo Cushman & Wakefield chia sẻ.

Theo: Phan Dương

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *