Đa phần nhà ở trong đô thị đều theo dạng hình ống. Ngoại trừ các khu quy hoạch mới được bố trí hợp lý, nhà ống cũ thường hạn chế về mặt môi trường sống bởi không gian hẹp và dài. Trường khí trong nhà ống vì thế có nhiều bất lợi và cần khắc phục từ hình thế bên ngoài đến cấu trúc bên trong.
Nhà có được vượng khí hay không là ở chính môn (cửa chính).
Nhà càng dài và hẹp càng khó xoay xở, đặc trưng của nhà ống là không gian mỗi nhà (trừ nhà ở góc đường) luôn bị kẹp giữa hai bức tường, nhất là gặp nhà bên cạnh cao hơn, hình thành một loại trường khí mà phong phủy gọi là “vùng sơn xuyên”. Vùng này tạo nên hiện tượng gió hút – gió lùa khá mạnh, kèm theo bụi, tạo vùng xoáy ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người cư ngụ.
Vì vậy, đa phần trong các ngôi nhà ống xưa (ví dụ tại các khu phố cổ Hà Nội, Hội An…) luôn có rất nhiều giếng trời hoặc sân trong (thiên tỉnh) để cân bằng âm dương. Mặt khác, nhà ống xưa tuy dài nhưng không xây cao và cấu trúc mái cũng như vị trí mái các nhà khác nhau tạo nên khả năng hút gió tốt và đưa ánh sáng vào sâu trong nhà nhờ các cửa trời.
Tùy theo chiều dài và chiều cao của nhà mà quyết định số lượng cũng như kích thước giếng trời, tối thiểu cũng phải có một giếng trời giữa và một giếng trời sau. Nếu nhà có lầu, phần trên và mái có thể nối với nhau bằng thiên kiều (cầu đi lại trên cao), cầu thang nên bố trí theo chiều dọc nhà để tiết kiệm diện tích. Sử dụng thêm gương phản chiếu cũng giúp không gian rộng ra và phản hồi lại các xung sát khi lên xuống cầu thang.
Dù đã có sân trong nhưng nếu thường mở cửa thông suốt từ trước ra sau cũng khiến luồng khí mạnh hút vào gây bất lợi. Ngược lại, ngăn chia nhà theo kiểu “chặt khúc” thành từng phòng bít bùng cũng làm mất tác dụng của giếng trời, trong nhà ngột ngạt mà gió lại vẫn lùa mạnh dọc theo những lối đi dài hun hút.
Do vậy, cần tạo lối đi và dẫn gió theo kiểu uốn lượn, tránh các tầm nhìn xuyên thấu từ ngoài vào nhà bằng cách dùng các dạng bình phong như tường thấp, tấm che, chậu cây… . Nên bố trí các không gian sinh hoạt chung xen giữa các không gian riêng (phòng ngủ) để tạo luồng di chuyển có rộng có hẹp, có đóng mở về không gian.
Đối với nhà ống có hai mặt tiền, có thể dùng phần ban công trên lầu làm khoảng đệm ngăn nắng nhưng vẫn lấy gió tốt. Giếng trời lúc này không cần thiết mà nên mở hàng loạt cửa sổ hông kết hợp làm che nắng, ban công hay bồn hoa tùy theo hướng cụ thể nhằm tăng sự đối lưu với môi trường bên ngoài.
Việc hai nhà ống mở cửa đối diện nhau sẽ không tốt về phong thủy. Nếu không thể đảo cửa thì nên lấy bình phong, tủ kệ hay chậu cây để che chắn.
Nhà phố vốn đóng khung theo dạng hình ống, do đó lúc bố trí ban đầu nếu không chú ý bố trí hệ thống cửa (khí khẩu) cho hợp lý thì sẽ ảnh hưởng đến các luồng phân bố khí trong nhà, thiếu ánh sáng và thông gió kém.
Cùng một mặt trước nhà phố, nếu mở cửa suốt các lầu giống hệt nhau thì sẽ thiếu hài hòa âm dương, vì càng lên cao, nắng gió ra vào nhà sẽ khác so với các tầng dưới bị che khuất bởi cây xanh hay công trình lân cận. Do đó, cần phải căn cứ theo thực tế không gian để phân bố cửa.
Việc hai nhà mở cửa đối diện nhau (đối môn) cũng là một dạng gây ra hút gió và thiếu sự riêng tư. Nếu không thể đảo cửa thì nên lấy bình phong (bằng gỗ, tủ kệ hay thậm chí là chậu cây) làm giải pháp che chắn hữu hiệu. Nên xem xét lại việc gắn mảng lớn kính thuỷ hay gương bát quái lên đầu cửa, lên tường ngoài nhà như một số người vẫn làm để “phản khí, vì gương có thể gây chói mắt và mang nhiều tính đối chọi.
Nhà nào cũng luôn có nhiều loại cửa, cửa trước, cửa sau, bên hông… tuỳ theo hình thế đất đai và tính chất ngôi nhà. Tuy nhiên, theo khoa học phong thuỷ, mỗi ngôi nhà chỉ nên có một bộ cửa chính (đại môn hay chính môn), các cửa còn lại là cửa phụ. Nhà có được vượng khí hay không là ở chính môn.